Viết tiếp thôi, kẻo quên mất...
Các phần trước tôi có đề cập đến yếu tố tâm lý, và sự cần cù, chăm chỉ và thực hành tiếng thường xuyên như là một điều kiện tiên quyết để học và sử dụng thành thục tiếng Anh. Với những ai đã cố gắng rất rất nhiều, trong khoảng thời gian từ một đến hai năm mà không cảm thấy nhiều tiến bộ, đặc biệt thấy khó khăn rõ rệt trong tiếng Anh thực dụng (giao tiếp), hãy chú ý thêm một yếu tố căn bản khác: phát âm (pronounciation). Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng chỉ ra những vấn đề phát âm cơ bản trong ngữ âm học so sánh, và chỉ ra một cách sơ lược nhất nguyên tắc tạo âm cơ bản của tiếng Anh và cách luyện tập. Tôi không phải là chuyên gia ngôn ngữ, nên việc sử dụng các thuật ngữ và quan sát có thể không chính xác, nên các bạn cứ "bừa bãi" góp ý kiến.
Phân tích cấu tạo một từ, chúng ta thấy đó là tổ hợp của các nguyên âm và phụ âm. Phát âm (pronounciation) ở đây nói đến hệ thống âm tiết nguyên âm (vowels), phụ âm (consonants), ghép âm (gồm cả trọng âm) và tạo câu (intonation) và các vấn đề khác liên quan. Lôgíc hết sức đơn giản: Nếu phát âm một nguyên âm, phụ âm, trọng âm không chuẩn, dẫn đến phát âm sai từ, khiến bạn không thể làm cho người khác hiểu bạn nói gì, và cũng không thể nghe hiểu được người khác nói gì. Nói sai ngữ điệu của câu (intonation) có thể dẫn đến diễn đạt sai ý hoặc làm mất điểm nhấn, và không thể sound English.
Quá trình học ở Việt Nam, tôi có ý thức được tầm quan trọng của phát âm, nhưng chưa bao giờ được học một cách bài bản và đúng cách. Khi còn ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ cảm thấy tự tin trong kỹ năng nghe, nói và thuyết trình. Hai kỳ học ở Vienna, cũng là hai kỳ tôi học chật vật với cái môn dở hơi không nằm trong chương trình “Practical Phonetics and Oral Communication”. Được học với giáo viên bản xứ một cách bài bản, đầy đủ các phương tiện, và dành rất nhiều thời gian để đọc lý thuyết và thực hành, tuy nhiên tôi trượt cả hai kỳ. Thật buồn. Nhưng, tôi đã tiến bộ rất nhiều, đặc biệt là tự tin hơn trong giao tiếp và quan trọng hơn, tôi hiểu được mình cần phải luyện tập ra sao, và từ đó, cũng nhận ra những yếu điểm chết người trong cách dạy và học ngoại ngữ tràn lan ở nhà. Tôi không hiểu sao, đến giờ vẫn chưa có một cuốn sách nào (ở mức độ phổ biến trên thị trường) so sánh ngữ âm học giữa tiếng Việt và tiếng Anh một cách hệ thống và khoa học, từ đó làm cơ sở cho việc giảng dạy ngữ âm. Việc học ngoại ngữ ở Việt Nam, quả thật là dựa trên năng khiếu của học viên nhiều hơn là cách tiếp cận khoa học và hệ thống mà nó có thể mang lại hiệu quả cho đa số. Các thầy cô giáo dạy tiếng Anh thì ôi thôi, có lẽ phải đến 95% là chưa đủ điều kiện để là giáo viên dạy tiếng Anh. Con số này là tôi tự đánh giá mà thôi, tuỳ các bạn nghĩ. Kể cả sinh viên tốt nghiệp Đại học sư phạm ngoại ngữ, nếu tính theo chuẩn của Áo, thì chắc cũng khó mà đủ tiêu chuẩn trở thành giáo viên tiếng Anh.
Có lẽ, không ai khi mới học ngoại ngữ lại hình dung được rằng, phát âm là một rào cản lớn nhất với người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tôi đã trải qua thời gian học ở Việt Nam và học ở châu Âu, giao tiếp với bạn bè châu Á có, và bạn bè ở các châu lục khác (tiếng Anh là bản ngữ có, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai có). Các bạn bè ở châu Âu, đặc biệt là Tây Âu, rất giỏi ngoại ngữ. Một sinh viên bình thường, có thể giao tiếp trôi chảy tiếng bản ngữ và tiếng Anh. Rất nhiều bạn bè của tôi giao tiếp thành thục hai, ba, thậm chí bốn ngoại ngữ. Theo quan sát thiển cận của tôi, tại sao họ có thể học và sử dụng được nhiều ngoại ngữ đến vậy, bên cạnh yếu tố môi trường và giáo dục, còn có nhân tố khách quan là hệ ngữ âm (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Đan Mạch, … )của họ tương đối giống nhau. Có sự khác biệt, nhưng sự khác biệt không mang tính bản chất và hệ thống, chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ. [1]
Trong khi đó, hệ ngữ âm tiếng Việt khác biệt mang tính bản chất về nguyên tắc tạo âm (hệ âm tiết) và ghép âm (đánh vần) với tiếng Anh và các ngôn ngữ châu Âu khác. Do đó, với những người Việt trưởng thành, kể từ độ tuổi khi tiếng Việt đã bắt rễ sâu, thì việc học tiếng Anh rất khó khăn và tiến triển chậm. Đa số họ, cũng như tôi trước đây, mắc vào cái bẫy “chuyển ngữ âm tương đương” giữa hai hệ thống về cơ bản không tương đồng. Ví dụ, ngày xưa khi học âm “a”, “e”, “t” … của tiếng Anh, tôi luôn nghĩ cách phát âm của nó giống tiếng Việt. Thực tế không phải như vậy.
Về cơ bản, cần chú ý những yếu tố sau:
- Một là, hệ thống âm tiết nguyên âm và phụ âm của tiếng Anh hoàn toàn khác. Các âm tiếng Việt, theo tôi cảm giác, hầu hết là hữu thanh (voiced) và tạo ra từ thanh quản (vocal cord) với rất ít các phụ âm có sự tham gia của các bộ phận phát âm (articulators) khác như “l”, “n”, “s”, “x”, “d”, “r” … Còn hệ âm tiếng Anh quy định rất rõ các âm hữu thanh (voiced), vô thanh (voiceless), bật hơi (aspiration), và có quy định rất rõ ràng về vị trí của nhiều articulators (lưỡi, môi, răng), và khẩu độ mở miệng (quality), độ dài âm vực (quantity). Vấn đề ở đây là mỗi người Việt trưởng thành đều có một hệ thống tương đối chắc về âm vực tiếng Việt (ví như hệ thống các hộp âm trong não). Khi bạn nghe một âm tiếng Anh, ví dụ âm “a” hay âm “e”, bạn có xu hướng nhét các âm đó vào các hộp âm tiếng Việt có sẵn, có âm thanh gần gần tương tự. Nếu bạn có nhận ra ít nhiều gì đó không giống, thì bạn cũng không biết làm sao để tạo ra âm thanh đó. Tất nhiên có những học viên có năng khiếu về âm, họ nghe và bắt chiếc (mimic) rất giỏi, nên họ có thể vượt qua được rào cản đó. Đa số thì không. Với tôi, phải mất gần 10 năm trời để hiểu nguyên lý cơ bản đó. Do vậy, giải pháp đề xuất là khi học tiếng Anh, cần phá bỏ hoàn toàn hệ thống âm vực tiếng Việt, để xây dựng hệ thống hộp âm (ứng với các nguyên âm, phụ âm) hoàn toàn mới và chính xác.
- Hai là, cách ghép vần / đánh vần giữa hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau. Cách đánh vần tiếng Việt ví dụ như (“o-t-ót, t-ót-tót, sắc - tót), âm “o” và “t”, kết hợp với nhau trước tạo thành một hợp âm “ót” trước khi ghép vào với âm “t” ở đầu. Âm “t” cuối hoàn toàn mất, không phát âm. Khi phát âm từ đó “tót”, cả từ là “một âm tiết”. Vì vậy, đặc trưng của tiếng Việt là “đơn âm tiết”. Trong khi đó, cách tạo âm / ghép vần của tiếgn Anh hoàn toàn khác hẳn. Phát âm của một từ là sự phát âm tất các âm tiết (tất cả các nguyên âm hay phụ âm) của từ đó. Ví dụ từ “bit” hay “beat”, mới nghe thì chỉ thấy một tiếng “bít” giống tiếng việt. Nhưng thực ra không phải như vậy, mà nó là tổ hợp của “b – i – t” hay “b – i: – t), của ba âm tiết nhỏ riêng biệt. Trên thực tế, nếu phát âm hai từ này một cách chậm lại, bạn có thể nghe rõ từng âm (“b”—“i”—“t”). Như vậy, tiếng Anh đặc trưng của ngữ hệ La Tinh, hệ ngôn ngữ “đa âm tiết”. Cũng trong vấn đề này, một điểm sai cơ bản mà rất nhiều sinh viên Việt Nam mắc phải là quên mất phụ âm cuối, hoặc những phụ âm nằm giữa trong từ ví dụ như âm “t” ở giữa các từ “department”, “investment” … hoặc gặp nhiều khó khăn với các cụm phụ âm như “st”, “ks”, dz”, “ts”, “kst”,…
Bên cạnh đó còn có vấn đề trọng âm, âm giản (weak form) …
- Ba là, ngữ điệu của câu …
.......................................
[1] Có thể thấy chiều hướng thay đổi rất rõ trong các sách dạy tiếng Anh. Các sách cũ như Streamline, Headway rất ít các nội dung phát âm. Nhưng trong các giáo trình mới, nếu tôi nhớ không nhầm là Lifeline, New Headway, các nhà biên soạn thấy rõ phát âm là một rào cản cơ bản đối với học viên từ các hệ ngôn ngữ khác, nên họ lồng phần phát âm vào ngày càng nhiều với các nội dung ngôn ngữ thực dụng.
(Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/dothanhai/article?mid=28)