29/1/11

6 kỹ năng làm việc để thành công

Để thích ứng với các điều kiện công tác chuyên nghiệp, có tính kỷ luật cao và khẳng định năng lực chuyên môn, một nhân viên không chỉ cần kiến thức cơ bản và chuyên ngành tốt, mà còn cần tính kỷ luật và thuần thục nhiều kỹ năng làm việc khác nhau. Thành công luôn cần có sự chuẩn bị.Sau đây là một số kỹ năng cơ bản bạn có thể rèn luyện ngay từ bây giờ để tăng tính chuyên nghiệp và hiệu quả công tác của bản thân:   
 Ảnh minh họa

1.Sắp xếp bàn làm việc theo trật tự nhất định
Thời gian là vàng. Nhưng tôi lại thấy có những bàn làm việc bày quá nhiều thứ không bao giờ được sử dụng đến trong công việc. Chủ nhân của chúng thường xuyên mất thời gian và công sức tìm kiếm những tài liệu hay vật dụng cần thiết. Vì vậy, nếu muốn giữ lại mọi thứ, ít nhất bạn hãy sắp xếp chúng theo từng khu vực vì điều đó sẽ giúp bạn không bị căng thẳng khi phải lục tung góc làm việc chỉ để tìm một mẩu giấy ghi số điện thoại của khách hàng. Hãy nhớ hai nguyên tắc sau: (i) với những tài liệu hay vật dụng bạn sử dụng hàng ngày, hãy để chúng ở những khu vực trong tầm với; (ii) với những thứ bạn chỉ sử dụng hàng tuần, hay thậm chí hàng tháng, hãy để chúng trong những ngăn kéo hay tủ giữ đồ.  Và nếu có thể, hãy đặt tên những khu vực để đồ và dán những mẩu giấy ghi tên để trong trường hợp bạn không ở văn phòng, đồng nghiệp hay quản lý của bạn cũng có thể tìm thấy đồ dễ dàng. Một điều quan trọng là hãy đừng ngại hủy hay bỏ đi những thứ không cần thiết chỉ bởi vì bạn nghĩ rằng những vật dụng sẽ được dùng đến vào một ngày nào đó. 

2. Lưu trữ tài liệu một cách khoa học
Trong thời gian đầu đi làm, tôi vẫn giữ thói quen thời sinh viên khi để tài liệu ở bất kỳ chỗ nào tiện. Và đã không chỉ một lần, người quản lý của tôi phàn nàn về việc phải chờ đợi lâu để tôi tìm một bản hợp đồng. Một thống kê đã chỉ ra rằng, trung bình một người dành bốn tuần trong năm để tìm những tài liệu để không đúng vị trí. Khi làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, đặc biệt tại các công ty đa quốc gia, bạn thường xuyên phải làm việc theo nhóm. Vì vậy, thời gian bạn tìm tài liệu không chỉ là thời gian lãng phí của riêng bạn, mà còn là của những người đang đợi bạn như người quản lý, khách hàng hay đồng nghiệp. Do đó, bạn nên nhớ lưu tài liệu ngay sau khi bạn sử dụng xong hoặc khi tài liệu đến tay bạn. Và nếu có thể, bạn cũng nên phân loại tài liệu và lưu vào những tệp có ghi tên rõ ràng. Nếu không thể làm thường xuyên như trên, bạn có thể có một khu vực tài liệu chưa phân loại để sắp xếp lưu lại vào cuối ngày hoặc cuối tháng. Quy tắc này cũng nên được áp dụng với những tài liệu trong máy tính của bạn.   

3. Luôn nhớ quản lý thời gian
Khi bạn giao việc cho nhân viên dưới quyền hay khi bạn được người quản lý giao việc, một quy tắc cần tuân thủ là phải đặt ra thời điểm cần hoàn tất công việc và luôn có một lịch quản lý công việc để theo sát tiến độ. Nếu công việc diễn ra trong một thời gian dài, hãy xây dựng lộ trình bằng cách chia nhỏ thành các phần việc để đặt ra những thời điểm cần hoàn thành từng phần chứ không chỉ một thời điểm hoàn tất cuối cùng.  Ví dụ như khi được giao làm hồ sơ dự thầu cho các dự án với khoảng thời gian một tháng, tôi thường chia bộ hồ sơ ra làm nhiều loại tài liệu: tài liệu chứng minh năng lực tài chính của công ty, tài liệu giới thiệu tính năng của sản phẩm, tài liệu đề xuất kỹ thuật áp dụng trực tiếp với tình hình thực tế của khách hàng, tài liệu đề xuất nhân sự  thực hiện thầu,… Và với mỗi loại tài liệu, tôi lại xét theo tính phức tạp và thời gian cần thiết để hoàn thành để quyết định loại nào nên làm trước, và thời gian hoàn thành là khi nào. Bạn cũng có thể làm nhiều phần việc một lúc nhưng hãy nhớ luôn bám sát lịch quản lý công việc để tránh quá căng thẳng vì không biết việc gì mình cần hoàn thành trước hay công việc đang tiến triển đến đâu. Việc cập nhật tiến độ công việc hàng tuần để mọi thành viên trong nhóm đều nắm rõ cũng được khuyến khích.

4. Học cách gọi điện thoại
Gọi điện thoại, đơn giản, nhưng giao tiếp hiệu quả qua điện thoại không hề dễ dàng. Hãy bắt đầu cuộc gọi với những người mà bạn gọi đến lần đầu bằng việc xin lỗi đã gọi điện đường đột và xác nhận lại liệu đó có đúng là người mà bạn đang cần nói chuyện hay không. Bạn cũng nên hỏi người được gọi là có thể nói chuyện điện thoại vào thời điểm đó hay không. Nếu bạn không hỏi trước khi bắt đầu câu chuyện, người được gọi có thể mất thiện cảm với bạn. Nguyên tắc này cũng nên được áp dụng với khách hàng, đối tác hay thậm chí với bạn bè của bạn.  Khi bạn gọi điện cho ai đó nhưng phải để lại tin nhắn, hãy cố gắng nói chậm rãi và rõ ràng. Bạn sẽ được đánh giá cao nếu để lại số điện thoại của bạn vào cuối tin nhắn. Tôi đã từng rất bực mình khi phải nghe một tin nhắn đến ba lần để nắm được nội dung vì người nhắn nói quá nhanh. Trong một số trường hợp, việc người gọi không để lại số điện thoại liên lạc cũng khiến tôi mất thời gian tìm kiếm và thực sự cảm thấy không thoải mái. Vì vậy, kể cả khi bạn biết người nhận điện thoại có số của bạn, bạn cũng nên để lại số trong tin nhắn. Nếu bạn có một cái tên lạ, bạn nên đánh vần nó để người nhận tin không bị nhầm lẫn. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn làm trong một công ty đa quốc gia, người nhận và người gọi điện thoại là những người nước ngoài, và bạn phải sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp.

5. Lên kế hoạch công việc hàng ngày
Nếu không muốn một ngày làm việc mới bắt đầu một cách lộn xộn vì không biết mình sẽ làm gì hôm đó, hãy thực hiện việc lên kế hoạch làm việc mỗi ngày. Tôi thường dành mười phút cuối giờ làm việc ngày hôm trước để liệt kê ra những việc tôi sẽ phải thực hiện ngày hôm sau. Sáng hôm sau, khi đến văn phòng và kiểm tra hòm thư điện tử, tôi sẽ thêm vào những việc phát sinh hay xóa bớt những công việc không cần thiết để có một kế hoạch ngày hoàn chỉnh.  Một vấn đề thường xảy ra là bạn có xu hướng lập kế hoạch vượt quá khả năng thực hiện. Điều này sẽ đưa đến tác dụng ngược lại, khiến bạn luôn trong trạng thái căng thẳng vì không bao giờ hoàn thành lịch trình công việc đưa ra. Một lời khuyên là trừ khi công việc khẩn cấp, bạn hãy luôn lập kế hoạch thấp hơn khả năng của bạn. Ví dụ như có một nhiệm vụ bạn nghĩ có thể hoàn thành trong vòng một tiếng, hãy lập kế hoạch làm trong hai tiếng vì sẽ cần có thời gian cho những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Hơn thế, vào cuối ngày làm việc, bạn sẽ cảm thấy thật sự thoải mái khi đã hoà thành kế hoạch và thậm chí còn làm xong một vài nhiệm vụ khác nữa.

6. Đừng cố gắng nhớ tất cả mọi việc
Bạn không cần là một siêu nhân phải nhớ tất cả mọi việc trong đầu. Trong một ngày làm việc, tôi có thể có hàng chục đầu mục các công việc đã lên kế hoạch và những công việc phát sinh. Mỗi đầu việc lại có thêm những thông tin về địa chỉ liên lạc, ngày tháng cần hoàn thành… Để nhớ được những thông tin đó, tôi chắc chắn bạn sẽ không thể tập trung làm những việc khác hoặc tệ hơn, không thể hoàn thành được công việc trong thời gian yêu cầu.  Vậy tại sao bạn không ghi các đầu việc lên giấy thay vì cố gắng đưa vào bộ nhớ. Có những đồng nghiệp của tôi đã thực hiện việc này nhưng họ lại viết công việc lên bất kỳ mẩu giấy nào mà họ tiện tay cầm và sau đó, họ quên ngay vị trí để mẩu giấy, rồi phải mất thời gian tìm hay ngồi nhớ lại công việc đã đề ra. Vậy bạn hãy luôn có một nơi để những mẩu giấy nhớ để bạn có thể dễ dàng tìm ra. Bản thân tôi thường sử dụng những bản in hỏng của các tài liệu không cần thiết để tập hợp thành một bộ giấy ghi nhớ. Như vậy vừa tiết kiệm, lại vừa tốt cho công việc của bạn. 

Để kết luận, tôi muốn bạn nhớ rằng bạn không thể quyết định người quản lý sẽ giao công việc nào cho bạn trong ngày, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm chủ cách bạn làm việc. Hãy áp dụng những kinh nghiệm đơn giản trên và bạn sẽ thấy giảm bớt được rất nhiều những căng thẳng của công việc vì kiểm soát được chúng. Một ngày làm việc của bạn, vì vậy, sẽ hiệu quả và vui vẻ hơn nhiều.

Dương Thu Trang

Theo (http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=211281&CatId=58 )

28/1/11

Quy luật mới trong xây dựng thương hiệu trực tuyến


1. Không chỉ bắt đầu mà còn phải duy trì đối thoại
Ed Roach, nhà sáng lập công ty tư vấn quản lý thương hiệu The Brand Experts nhắc nhở doanh nhân: “Thành lập trang tin của công ty trên Facebook và Twitter thôi chưa đủ, mà còn phải duy trì đối thoại với khách hàng, bằng cách thường xuyên đưa tin, bài và giải đáp thắc mắc”.


Ron Smith, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập công ty tiếp thị và quan hệ công chúng S&A's Cherokee đồng ý rằng doanh nhân phải biết mọi người đang nói gì về mình và công ty. “Tất cả doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi mạng xã hội, bởi vì nó rút ngắn thời gian doanh nghiệp phản hồi phàn nàn và cáo buộc của khách hàng. Phải nhận diện vấn đề và kiểm soát thông tin tức trực tuyến tức thì. Không phải là vấn đề ngày, giờ mà là phút, giây”.
2. Tách biệt thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp
Khi có hàng chục ngàn người theo dõi thông tin trên Twitter, nhiều doanh nhân tự nhận mình là “ngôi sao” trong mắt người tiêu dùng. Nhưng, theo Tim Ferriss của công ty sản phẩm bổ sung dưỡng chất khi tập thể dục thể thao BrainQHICKEN thì: “Doanh nhân có đông đảo người hâm mộ trên Twitter giống như những con bò trong trận đấu bò tót tại Tây Ban Nha.
Khi đấu sĩ phất nhanh vải đỏ sang hướng khác thì con bò chỉ húc đầu vào khoảng không… Steve Jobs được hâm mộ toàn cầu, nhưng người tiêu dùng mua sản phẩm Apple vì những thiết kế sản phẩm đột phá và ấn tượng. Vậy nên, đừng nghĩ rằng gây dựng thương hiệu cá nhân của chủ doanh nghiệp là đủ để kinh doanh trực tuyến”.


3. Thu hút truyền thông và xây dựng mạng lưới quan hệ
Việc xuất hiện trên các phương tiện tiện truyền thông như báo, đài với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh của mình sẽ góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu trực tuyến. Để đạt được điều đó, bạn phải có sẵn video clip tự giới thiệu hoặc bài viết có giá trị tư vấn thực tiễn trên website.


Trở thành chuyên gia còn là cơ hội để bạn làm quen, mở rộng mạng lưới quan hệ. Từ đó sẽ nhận thêm cơ hội diễn thuyết, viết bài, đánh bóng thương hiệu cá nhân và giới thiệu tên tuổi doanh nghiệp.


4. Chọn tên thương hiệu mang tính vững bền
Chris Russo thành lập Fantasy Sports Ventures từ năm 2006. Doanh thu tăng trung bình 40% - 50% một năm, nhưng cái tên doanh nghiệp là điều khiến anh trăn trở mãi. Fantasy Sports Ventures gợi hình ảnh một công ty cổ phần hơi bị fantasy - ảo tưởng. Nhất định phải đặt lại tên thương hiệu.
Nhưng, chọn cái tên thế nào là điều phải cân nhắc kỹ. Có những cái tên ấn tượng và hiện đại như Fanarchy, Fantology, Gutcheck… Không biết cái tên nào mang ý nghĩa vững bền mà lại không quá xa lạ với những khách hàng bấy lâu. Và cuối cùng thì tên thương hiệu mới là The Big Lead ra đời. Không đột phá ngoạn mục, nhưng gắn liền với mục tiêu tương lai và hình ảnh hiện tại của công ty.


5. Kiên trì tìm vị trí thích hợp

Dù bạn đang bước vào thị trường mà đối thủ đông như kiến cỏ, và thế giới trực tuyến là một diễn đàn ngập người, nhưng chắc chắn đâu đó sẽ có cơ hội phát triển công ty và thương hiệu của bạn.
Dĩ nhiên, càng về sau thì cạnh tranh càng nhiều, nỗ lực tạo sự khác biệt càng khó, nhưng không có gì là không thể. Sức sáng tạo của con người là vô hạn. Chỉ cần những nhà tiếp thị đừng bỏ cuộc quá sớm.
6. Chăm chút mục “Giới thiệu” trên website
Khi mở website của chính mình, bạn không chú ý đúng mức đến mục “Giới thiệu – About Us”, nhưng khách ghé thăm website thì có. Hãy nghĩ đến chuyện cả thế giới chỉ cần 1 cú click là có thể biết về công ty và dịch vụ bạn cung cấp, thì mục “Giới thiệu” rõ ràng rất đáng để bạn bỏ nhiều thời gian và công sức trau chuốt.
Dĩ nhiên, mục “Giới thiệu” sẽ gồm những thông tin cơ bản, nhưng có một số cách mới bạn có thể áp dụng để trang thêm phần lý thú cho người đọc. Ví dụ như chuyên gia chiến lược tiếp thị Lorrie Thomas cho biết gợi ý lãnh đạo doanh nghiệp tự viết tiểu sử ngắn gọn của mình và viết thêm thông tin đời thường như sở thích, môn thể thao yêu thích. Hơn thế nữa, cần có đường link đến blog, website cá nhân và địa chỉ e-mail. Thông tin liên lạc đầy đủ là biểu hiện rằng bạn luôn sẵn lòng lắng nghe ý kiến đóng góp từ khách hàng và bạn chẳng có gì để che giấu.
7. Hợp nhất trang mạng xã hội với website
Hãy bảo đảm mọi người từ khắp các trang MXH và diễn đàn có thể link đến website doanh nghiệp. Bạn không nhất thiết phải thuê công ty ngoài thực hiện video quảng cáo độc đáo hoặc tuyển chuyên gia tiếp thị trực tuyến giúp sức (dù 2 cách này dĩ nhiên đem lại hiệu quả như ý) để thu hút đông đảo người truy cập website. Tất cả những gì bạn cần là một vài mánh khóe nho nhỏ của thế giới ảo và website chứa đựng thông tin hữu ích.


8. Liên tục theo dõi và sẵn sàng phản hồi
Facebook, Twitter và Yelp đang trở thành những nhân tố thiết yếu trong chiến lược tiếp thị trực tuyến của các doanh nghiệp. Nhưng còn có rất nhiều những trang MXH và diễn đàn khác, nơi bất cứ ai cũng có thể phát biểu kinh nghiệm dùng thử sản phẩm. Một câu hỏi hay một lời phàn nàn không được trả lời và bào chữa ngay có thể ảnh hưởng đến tiếng tăm thương hiệu và đẩy xa các khách hàng tiềm năng.
Đó là lý do các công ty sử dụng dịch vụ trực tuyến như Google Alerts hay Social Mention để nhận e-mail cập nhật mỗi khi từ khóa (tên doanh nghiệp chẳng hạn) xuất hiện trên các web. Những công cụ đó còn giúp doanh nghiệp theo dõi tình hình khách hàng, công ty đối thủ và cả nền công nghiệp.

9. Khoe kết quả làm việc tốt
Hãy trưng bày bằng khen, chứng nhận và dang sách những khách hàng lớn trong ngành. Nhờ chúng, doanh nghiệp sẽ nhận được sự tín nhiệm của thêm nhiều khách hàng tiềm năng.
Bạn có thể thỏa thuận để đặt logo doanh nghiệp khách hàng trên web của mình… Thông tin hoạt động cộng đồng, chương trình xanh và những mục thú vị khác cũng quan trọng. Bên cạnh đó, lịch sử doanh nghiệp theo thời gian với những mốc son thành công cũng đáng trưng bày.

Nguồn: http://thuonghieuviet.com.vn/news-news/c33n3889/quy-luat-moi-trong-xay-dung-thuong-hieu-truc-tuyen.htm

27/1/11

6 kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà lãnh đạo hoàn hảo

Một nhà lãnh đạo hội tụ trong mình những phẩm chất vốn có chưa hẳn đã trở thành nhà lãnh đạo tài ba. Một nhà lãnh đạo hoàn hảo là một người biết trau dồi những kỹ năng cần thiết. Bài viết này là 6 kỹ năng cần thiết trở thành một nhà lãnh đạo hoàn hảo.

Tầm nhìn

Bạn cần hiểu công việc mà đội bạn đang phụ trách ăn khớp thế nào với năng suất, hình ảnh và thành công nói chung của công ty. Vạch chiến lược hoạt động lâu dài cho đội và thông báo với cấp trên cũng như cho toàn bộ nhân viên.. Lập ra các mục tiêu có thể đạt được cho từng cá nhân và toàn đội, đưa ra những mong muốn một cách khái quát nhất.

Có nhiều tham vọng: Tham vọng ở đây không mang nghĩa xấu. Hãy sử dụng tham vọng của bạn một cách khôn ngoan. Bạn không nên leo cao bằng cách dẫm lên người khác. Cần biết đích bạn muốn tới, chấp nhận thách thức và đừng bỏ lỡ thời cơ. Chuẩn bị những nhân viên thay thế có tiềm năng. Nếu không có ai có thể thay thế vào vị trí hiện tại của bạn, bạn sẽ khó có cơ hội được thăng tiến .

Niềm tin

Biết mình: Biết được những điểm mạnh và điểm yếu của mình trong công việc. Đừng ngại phải đưa ra những câu hỏi hay tham gia khoá học thêm. Bạn không cần phải biết mọi thứ và là người giỏi nhất. Nếu bạn yếu trong một công việc cụ thể nào đó, hãy chắc chắn rằng có ai đó trong nhóm của bạn rất thông thạo về lĩnh vực này. Bạn làm việc cùng những nhân viên đang đem lại lợi nhuận cho công ty, lắng nghe ý kiến đề xuất của nhân viên.

Quyết đoán: Nếu bạn nghĩ tới những tình huống xấu có thể xảy đến với dự án của mình, bạn sẽ đưa ra những quyết định tin cậy và có những hành động đúng đắn khi cần thiết.

Kiềm chế căng thẳng: Hãy kiếm chế sự căng thẳng. Như người xưa từng nói: “Đừng để người khác thấy nỗi lo của mình”. Có niềm tin ở chính mình sẽ khiến người khác tin ở bạn.

Chấp nhận những lời phê bình: Hãy chứng tỏ sự tự tin của bạn bằng cách tiếp nhận những ý kiến phê bình của người khác mà không ngạo mạn, kiêu căng, nhưng cũng không quá phục tùng. Hãy tìm kiếm những ý kiến phê bình bổ ích, có tính xây dựng và chân thành cám ơn. Hãy chứng tỏ sự chín chắn và tính chuyên nghiệp của bản thân.

Kỹ năng quan hệ với đồng nghiệp

Lắng nghe: Luôn lắng nghe quan điểm của người khác. Tìm hiểu xem chính sách hay vấn đề gì đang gây trở ngại khiến các thành viên trong đội của bạn làm việc kém hiệu quả, và thiếu nhiệt tình. Lắng nghe kỹ để hiểu tốt hơn chất lượng cuộc sống và vấn đề cân bằng công việc/cuộc sống của nhân viên, sau đó giúp đỡ họ giải quyết vấn đề.

Mềm dẻo: Một nhà lãnh đạo mạnh không phải lúc nào cũng muốn và cần phải đúng. Sẵn sàng tiếp thu những ý kiến phản đối và những sáng kiến mới mà cấp dưới đề xuất.

Biết khuyến khích động viên kịp thời: Hãy chứng tỏ sự thông cảm và kiên nhẫn của bạn, đừng quá thất vọng với những nỗi mà các nhân viên ít kinh nghiệm mắc phải. Hãy giúp đỡ các nhân viên cùng làm bằng sự nhiệt tình, nhã nhặn và tôn trọng. Hãy nhớ, việc bạn đối xử với mọi người như thế nào tác động đến việc bạn có được công nhận như một nhà lãnh đạo.

Các kỹ năng thúc đẩy

Khuyến khích nhân viên: Một nhà lãnh đạo mạnh có khả năng truyền cảm hứng, thúc đẩy và tiếp sinh lực làm việc cho các nhân viên. Hãy là một người thông tháo. Tập trung tìm ra những điểm mạnh nhất của nhân viên, phát triển tài năng của họ và khuyến khích họ áp dụng sáng kiến của mình.

Tán dương thành công: Khen ngợi những thành công của nhân viên. Một mẩu giấy viết tay chúc mừng và cảm ơn một nhân viên về việc mà anh ta đã hoàn thành rất tốt, đem lại lợi nhuận cho công ty. Khi công việc tiến hành hỏng, cũng đừng bao giờ khiển trách nhân viên một cách công khai. Phê bình một cách kín đáo và có tính xây dựng. Nếu công việc tiến hành không tốt, cần xem xét lại những gì mà đội bạn đã làm trong thời gian qua và vạch ra chiến lược hoạt động cụ thể trong thời gian tới.

Ở phía sau nhân viên: Là một nhà lãnh đạo không có nghĩa là mọi người sẽ phải theo sau bạn. Bạn cần chứng tỏ rằng bạn đang ở phía sau các nhân viên của mình. Hiểu yêu cầu của đội mình. Nếu nhân viên cần được đào tạo, cần được trang bị nâng cấp phương tiện và công nghệ mới, hãy sẵn sàng đấu tranh với cấp trên vì nhân viên. Không phải luc nào bạn cũng thành công, nhưng điều quan trọng là bạn hành động như là người ủng hộ họ.

Giúp đỡ: Hãy giúp đỡ nhân viên bất cứ khi nào có thể, dù chỉ là ít phút. Để nhân viên biết rằng bạn hiểu những khó khăn của họ, thạm chí họ không có kinh nghiệm trong công việc. Bạn sẽ dễ đạt được mong muốn của mình hơn nếu bạn cập nhật và nắm rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các nhân viên.

Trách nhiệm

Chấp nhận sự khiển trách: Nếu việc gửi hàng bị chậm hay thông tin về dự án không đúng, hãy thay mặt toàn đội đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi và đưa ra hành động đúng đắn.

Giải quyết các vấn đề: Là một lãnh đạo, bạn sẽ phải đưa ra những quyết định hết sức khó khăn và đôi khi không làm vừa lòng một số người. Bạn cần phải kiếm chế mâu thuẫn và giúp mọi người chấp nhận sự thay đổi. Giao tiếp chính là chìa khoá. Nếu bạn được uỷ thác chức vụ, trách nhiệm và được giao lãnh đạo nhóm của bạn, bạn sẽ tìm ra những phương pháp mang tính sáng kiến để giải quyết các vấn đề.

Hãy là tấm gương tốt: Luôn chứng tỏ năng lực làm việc tốt với người khác, thậm chí bạn không thích người đó như thế nào đi nữa. Hãy là một người công bằng.

Sự chính trực

Làm những điều đúng đắn: Khi bạn phải đối mặt với một quyết định chống lại lợi ích của bản thân, hãy nói thẳng ý kiến của mình. Nếu bạn được đề nghị làm điều gì đó vô lí, không đúng nguyên tắc, hãy thẳng thắn từ chối. Hãy bảo vệ chính bạn và quyền lợi của các nhân viên mà bạn phụ trách.

Hãy trung thực: Hãy tôn tròng lời hứa. Nếu bạn không thể làm, thì đừng hứa trước điều gì. Khi bạn phạm lỗi, hãy chấp nhận và xin lỗi. Bạn là người trung thực, điều đó sẽ gây ấn tượng rất tốt đối với cấp trên, với khách hàng và các nhân viên của mình.

Tránh ngồi lê đôi mách: Đừng bao giờ phao tin đồn hiểm độc hay đặt chuyện về người khác. Một người mạnh mẽ sẽ nói “Tôi không thích nói về ai đó đang không có mặt ở đây”. Điều đó chứng tỏ sự chính trực của bạn. Hãy thể hiện sự tôn trọng người khác. Như vậy bạn cũng tránh tạo cơ hội cho người khác đặt điều về bạn.

Làm việc tốt nhất: Cẩn thận, tôn trọng người khác và kiên định. Luôn chứng tỏ tài năng và kỹ năng đối với bất cứ dự án nào.

Không phải tự nhiên mà các nhà quản lý, giám sát viên có được năng lực lãnh đạo. Nó là cả một quá trình học hỏi không ngừng. Đặt ra các câu hỏi, quan sát kỹ và thường xuyên xác định lại cách sử dụng phương sách, sử dụng sức lực, tài năng và ý thức chung, tin tưởng vào thiên hướng của mình.

Nguồn:
Doanh nhân 360

9/1/11

Làm thế nào để học tốt Tiếng Anh (Phần IV): Rào cản kĩ thuật - Phát âm (II)

Ngoài lề một chút. Đúng là một người Việt bình thường, không có thời gian sống ở nước ngoài thì khó có thể đạt được mức chuẩn của BBC hay người nước ngoài có thể nói tiếng Việt "chuẩn" như VTV3. Có hai vấn đề, thế nào là "chuẩn". Có sự khác nhau rõ rệt giữa tiếng Anh Anh và Anh Mỹ, đặc biệt cả Anh Úc, Anh Ấn Độ và Anh Singarore. Ngay cả trong nước Anh, các vùng khác nhau có giọng khác nhau (accent = form of pronunciation). Nhưng một trong những hệ thống phát âm chuẩn được chấp nhận để giảng dạy cho người nước ngoài là Received Pronunciation (RP). RP được coi là uniquely prestigiously hay là the Queen's English vì nó được sử dụng phổ biến trong Hoàng gia Anh, của các trường đại học và của các phát thanh viên BBC ngày xưa [1]. Mặc dù như vậy, RP vẫn chỉ là một hệ thống phát âm và việc coi RP là Standard English hay không còn có rất nhiều tranh cãi. Ở Việt Nam, nói đến RP chắc chẳng mấy ai biết trừ những chuyên gia và sinh viên chuyên ngành Anh ngữ. Đúng thôi, và chẳng cần biết làm gì, nếu học tiếng Anh thực dụng và không nghiên cứu sâu về ngữ âm học. Nhưng vấn đề đặt ra là các học viên ít nhất phải hiểu rằng ngữ âm tiếng Việt và tiếng Anh về cơ bản là khác nhau, và họ nên được biết các các nguyên tắc cơ bản, hoặc hệ thống âm cơ bản của tiếng Anh để có thể tự tập luyện

Có ba nhân tố ảnh hưởng tính hiệu quả của quá trình rèn luyện phát âm: tuổi tác, mục đích học tập và năng khiếu. Thứ nhất, tuổi càng cao thì càng khó luyện phát âm vì hệ thống hộp âm tiếng Việt bắt rễ sâu cũng như càng khó điều khiển các articulators theo ý muốn. Kinh nghiệm cho thấy, trẻ em cấp I nếu sống trong môi trường Anh ngữ, hay được học tiếng Anh từ bé với giáo viên bản ngữ, thì hệ thống âm của trẻ tương đối tốt. Ở tầm tuổi này, trẻ em giỏi bắt chiếc và quan trọng hơn, các em chưa bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hệ thống âm tiếng Việt. Thứ hai, nếu chỉ cần học để giao tiếp bình thường (ví dụ làm việc trong các lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ như khách sạn, bán hàng, ngân hàng ... ) thì lấy mục tiêu hiệu quả là chính, không cần phải quá chú trọng đến phát âm. Trên thực tế, nhiều bạn hướng dẫn viên du lịch nói liến thoắng như tiếng Việt mà các du khách Tây vẫn hiểu đó thôi. Nhân viên lễ tân khách sạn cũng nhiều người nói đâu có chuẩn. Vấn đề ở đây là những người này chỉ cần biết hữu hạn từ nhất định, và vốn tiếng anh của họ cũng chỉ cần để giải quyết một số hữu hạn những vấn đề nhất định. Ở đây, như Rùa nói, cần phải vượt qua yếu tố tâm lý là chủ yếu. Tuy nhiên, nếu bạn muốn học sâu về tiếng Anh để sử dụng cho các mục đích như học tập, nghiên cứu, trao đổi, ngoại giao ... thì rào cản phát âm sẽ làm giảm tính hiệu quả trong quá trình sử dụng ngôn ngữ, rồi sau đó ảnh hưởng đến kết quả công việc của bạn. Thứ ba, TA đã nhắc đến vấn đề năng khiếu. Đúng, thực tế có một số người có khả năng ngôn ngữ tốt, phát hiện được sự khác biệt, cũng như bắt chiếc giỏi. Nhưng chúng ta ở đây phải giải quyết khó khăn của đa số, những người không có nhiều năng khiếu về ngôn ngữ trong đó có tôi. Vì vậy, những giáo viên chuyên nghiệp ít nhất phải hiểu được vấn đề và có một cách tiếp cận khoa học và hệ thống, đảm bảo được tính hiệu quả cho công tác giảng dạy. 

Và ít nhất, họ cần phải đạt một độ "chuẩn" nhất định. Như vậy, cần phải có những nghiên cứu sâu về so sánh ngôn ngữ và các phương pháp giảng dạy hiệu quả. Có thể là đã có những nghiên cứu, nhưng nhìn vào thực tế giảng dạy và học tập ngoại ngữ hiện nay, đặc biệt là của các sinh viên theo học chuyên ngành Anh ngữ hay Sư phạm Anh ngữ, có thể nhận thấy là những "thầy cô giáo" này hoàn toàn không có một phương pháp gì, thậm chí là không hiểu gì về ngữ âm học so sánh. 

Lan man quá dài rồi. Bây giờ trở lại vấn đề bàn ở entry trước. 

Nếu bạn có điều kiện để đọc kỹ các sách về ngữ âm học của Peter Roach (2001), English Phonetics and Phonology, thấy rõ quy định rất chặt chẽ trong việc tạo âm của tiếng Anh. Không cần nghiên cứu sâu về lý thuyết, các học viên có thể sử dụng các giáo trình thiên nhiều thực hành của English Pronunciation in Use của Đại học Cambridge, Sheep or Ship, hay Sound English ... Tất nhiên, trong trường hợp này, bạn cần có sự hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ của các giáo viên chuyên ngành. Ngày xưa tôi cũng cứ tự mua sách về luyện, nhưng rồi đúng sai chẳng biết ra sao cả. Các bạn sẽ không tiến xa được, khi không hiểu được các nguyên tắc cơ bản về tạo âm và sự khác biệt cơ bản giữa các âm Anh - Việt gần tương đương nhau. 

- Ba là, nói đúng ngữ điệu của câu, nhấn đúng những âm cơ bản, sẽ giúp tiếng Anh của bạn nghe Anh (sounds English) hơn và giao tiếp hiệu quả hơn. Đây không chỉ đơn thuần là sự lên hay xuống (rise and fall) giọng ở cuối câu để chỉ các loại câu và còn ở việc nhấn vào những âm chính, trong những “tonic syllables” và xuống giọng ở các từ ngữ, âm không quan trọng “tails”. Cảm tưởng giống như bạn nhảy Waltz, không có up and down không phải Waltz. Tôi không phải là chuyên gia tiếng Việt, nhưng tôi có cảm tưởng là tiếng Việt không có ngữ điệu (monotone) hoặc ngữ điệu tiếng Việt không phức tạp hoặc quy định không chặt chẽ bằng tiếng Anh. 

Liên quan chặt chẽ đến cách tạo âm của tiếng Anh còn có các quy định về nhịp (rhythm), đồng hoá âm (assimilation), nuốt âm (elision) và nối âm (linking) 

Nếu các bạn có nhu cầu, trong các bài tới, tôi sẽ giới thiệu và bàn bạc một cách đơn giản nhất về cách tạo từng nguyên âm, cụ thể là nguyên âm đơn (ngắn – short, dài – long) (quality and quantity), nguyên âm đôi dipthongs (gliding - quantity) và tripthongs; phụ âm (plosives, ghotta, fricates and affricates, fortis vs. lenis, voiced vs. voiceless); âm mũi (n, m, ng), các âm “l”, “r”, “w”; cùng các vấn đề khác như weak form (“schwa” – không biết dịch sang tiếng Việt thế nào), nhịp (rhythm), đồng hoá âm (assimilation), nuốt âm (elision) và nối âm (linking), trọng âm (stress) và ngữ điệu (intonation). Tất nhiên, trong so sánh với âm vực tiếng Việt.
-----------------------------------------------------------
[1]: Hiện tại BBC chấp nhận các giọng khác ngoài RP trong các chương trình phát thanh của Hãng. 

(Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/dothanhai/article?mid=27)