4/2/11

Làm thế nào để học tốt Tiếng Anh (Phần I)

Đã có nhiều nhiều bạn hỏi tôi về phương pháp học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Quả thực tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ”, không đủ trình độ để dấn chân vào một vùng nước lạ, vào một lĩnh vực mà tôi không phải là chuyên gia để có thể đưa ra một bài viết mang tính nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, với tư cách là một người học tiếng Anh lâu năm trải qua nhiều môi trường học tập khác nhau và có điều kiện học ngoại ngữ chung với các sinh viên ở các nước khác nhau, tôi cũng mạo muội chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân tích luỹ và nhận thức ra qua quá trình học tập và rèn luyện để có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh.


Tôi bắt đầu học tiếng Anh một cách nghiêm túc từ khi bước chân vào Đại học. Tính đặc trưng của ngành mà tôi theo học và nghề hiện nay tôi đang theo đuổi khiến ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là một công cụ không thể thiếu. Khởi đầu từ con số không ở độ tuổi “lưỡi đã cứng, đầu đã sạn“, quá trình đến với tiếng Anh của tôi không biết bao trầy trật. Nhìn lại, đó là cả một quá trình tự tìm tòi đầy gian nan của bản thân cùng với sự giúp đỡ tận tình của bao bạn bè và thầy cô. Để đến ngày hôm nay, dù còn biết bao thiếu sót, nhưng cũng có thể nói tôi đã có những bước tiến đáng kể ở các kỹ năng Anh ngữ cơ bản như: đọc hiểu (comprehensive reading), nghe hiểu (comprehensive listening), viết luận (writing), nói và trình bày (speaking and public speaking). Hai kỹ năng khác là dịch nói (interpreting) và dịch viết (translating) tôi chưa có dịp được tiếp cận một cách bài bản và hệ thống dù đã có một số những kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Trong phạm vi bài này, tôi muốn đề cập những điều cần chú ý trong giảng dạy và học tập Anh ngữ ở mức độ của những học viên ở trình độ cơ sở. Và chắc chắn rằng, kinh nghiệm mà tôi chia sẻ là dành cho người bình thường như bạn, như tôi và như bao người khác, những người không có năng khiếu bẩm sinh về trí nhớ và ngôn ngữ.

Dù thế nào, tôi cũng phải khẳng định với các bạn rằng, yếu tố đầu tiên quan trọng hơn hết để có thể thành thạo ngoại ngữ là thời giansự kiên nhẫn vàcần cù. Về bản chất, ngôn ngữ được xây dựng bởi những thành tố cơ bản như hệ thống âm (pronunciation), hệ thống từ vựng (vocabulary), hệ thống các quy tắc ngữ pháp (grammar). Ở đây, có hai thành tố của ngôn ngữ khiến người học không thể đốt cháy giai đoạn được, đó là DỮ LIỆU NGUỒN (INPUTs) và KỸ NĂNG (SKILLs). Thứ nhất, không thuộc từ vựng, không thuộc quy tắc ngữ pháp thì có tài thánh bạn cũng không thể hiểu được (đọc và nghe) và diễn đạt được (nói và viết) những điều mình muốn. Đáng chú ý ở đây, đặc tính của ngôn ngữ là sự kết hợp giữa quy tắc và bất quy tắc. Không có cách nào khác, bạn phải thuộc nhuần nhuyễn từ vựng (ngữ nghĩa, phát âm, các sử dụng) và những quy tắc ngữ pháp đòi hỏi ở các trình độ khác nhau.

3 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn. Những chia sẻ trên mình học từ anh Hải. Nó giúp mình rất nhiều khi mình học tiếng Anh để xin học bổng. Mình sẽ cố gắng thu xếp thêm thời gian để chia sẻ thêm về kinh nghiệm của bản thân mình nữa:)

    Trả lờiXóa
  2. Xin phép chủ blog để chia sẻ bài này lên facebook nhé. Cám ơn.

    Trả lờiXóa